Doanh nghiệp bắt tay với nhà trường tạo nguồn lực 4.0

Gần 50% số lao động tại Mỹ, Bắc Âu và Anh có thể bị thay thế bởi máy móc. Ở Việt Nam, con số này được dự báo lên đến 70%.

 Doanh nghiệp bắt tay với nhà trường tạo nguồn lá»±c 4.0 - 1

Những xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật… đã và đang góp phần thay đổi cách thức thế giới vận hành. Máy móc làm được ngày một nhiều việc hơn. Con người đứng trước lựa chọn phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng mới để làm chủ công nghệ, hoặc sẽ bị loại ra khỏi chính cuộc chơi của mình!
Thị trường lao động Việt cũng phải đương đầu với bài toánnày. Nếu nhiều doanh nghiệp còn loay hoay với câu hỏi “Phải bắt đầu ứng dụng 4.0 từ đâu? Tìm người triển khai ở nơi nào?”, thì các đơn vị đào tạo lại trăn trở với việc “thay đổi cách và nội dung giảng dạy ra sao?”. Trước thực tế này, một số tập đoàn và trường đại học top đầu về công nghệ đã có những cú bắt tay hiệu quả, tiên phong tạo nguồn lực công nghệ chất lượng cao cho thị trường, chẳng hạn như trường Đại học FPT hợp tác với GE Digital triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực số liên quan đến nền tảng GE Predix. Một số mô hình đào tạo đặc biệt như Đại học trực tuyến FUNiX (Tổ chức giáo dục FPT) còn đưa các chuyên gia hàng đầu của các công ty công nghệ trở thành mentors để trực tiếp giảng dạy và huấn luyện sinh viên những công nghệ mới nhất.
Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ lớn còn sáng tạo phương thức đào tạo sinh viên với kỳ vọng sớm tạo ra đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay mà không cần phải đào tạo lại khi tuyển dụng. Điển hình là sự ra đời của nhiều cuộc thi công nghệ cho sinh viên, tạo lập không gian để sinh viên tự do tìm hiểu, thực hành công nghệ mới như cuộc thi lập trình xe tự hành Cuộc đua số (FPT), các cuộc thi Samsung Software Challenge (Samsung) hay Microsoft Imagine Cup (Microsoft)…
Sinh viên sẽ được tự tay giải những bài toán từ sơ khai đến phức tạp về công nghệ mới dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm, cũng như được làm quen với các kỹ năng chuyên nghiệp như làm việc nhóm, xử lý khối lượng công việc lớn trong thời gian giới hạn, lập kế hoạch và quản trị dự án… Trưởng thành từ những sân chơi công nghệ này, các bạn trẻ sẽ vững vàng hơn về kiến thức chuyên ngành, đồng nghĩa vớicó thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp trước làn sóng 4.0.
Nguyễn Văn Tiên, cựu sinh viên ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh Cuộc đua số cho biết: “Thực ra công nghệ 4.0 không ở đâu xa xôi, thông qua cuộc thi “thực chiến” như Cuộc đua số và những nền tảng do Tập đoàn FPT cung cấp, tôi đã định hình được những kiến thức, kỹ năng cần có để theo đuổi đam mê công nghệ của mình”.
Việt Nam là một quốc gia với nền kinh tế trẻ và nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai - nền sản xuất gắn liền với công nghệ - khi chỉ xếp 70/100 về số lượng và 81/100 về chất lượng nguồn nhân lực. Hy vọng với sự chung tay phối hợp giữa doanh nghiệp với đơn vị đào tạo, sẽ ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam có được vị trí xứng đáng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 
                                                                                                               Nguồn: Báo dân trí